Mặt tối của Apple qua chiếc iPod Touch mới ra mắt: Chỉ chăm chăm "làm tiền", ít cải thiện thực chất?
Khó có thể gọi iPod Touch 2019 là mới được vì nó chẳng khác gì phiên bản 2015 được "độ" vi xử lý mà thôi.
Tuần này, Apple vừa "trình làng" một mẫu iPod Touch mới. Mà gọi nó là mới thì cũng không hẳn là đúng. Mẫu iPod vừa ra mắt chỉ là một bản nâng cấp nhỏ của chiếc iPod Touch ra mắt từ năm 2015 - mà bản thân thiết bị này cũng không thay đổi quá nhiều so với chiếc iPod Touch 2013.
Apple vẫn chưa "khai tử" dòng máy nghe nhạc iPod, nhưng nó cũng đang "hấp hối" rồi. Đường đường là chiếc iPod Touch của năm 2019 mà lại sử dụng bộ xử lý ra mắt từ năm 2016. Có thể nói rằng, chiếc iPod Touch này cũng phản ánh lên đôi điều về Apple ở thời điểm hiện tại.
Lợi nhuận là trên hết
Apple là một trong những công ty giá trị nhất thế giới và đồng thời cũng nằm trong top các hãng thu về lợi nhuận cao nhất. Để đạt được thành tựu này, Táo khuyết cũng phải tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao để phục vụ cho người dùng nhưng cũng phải không tốn quá nhiều chi phí. Chính vì vậy, họ thường xuyên phải đưa ra những quyết định nhằm cân đối giữa chất lượng và lợi nhuận.
Bàn phím của Apple nhận rất nhiều gạch đá
Ví dụ rõ ràng nhất là về vụ "lùm xùm" xoay quanh bàn phím trên những chiếc laptop của Apple: ngừi dùng MacBook Pro đã phàn nàn về chất lượng của bàn phím cánh bướm (butterfly keyboard) ngay từ khi Apple chính thức công bố thiết kế mới này vào năm 2015, nhưng đến nay đã là 4 năm mà họ vẫn chưa đổi sang loại bàn phím khác. Đó là vì việc thiết kế lại hoàn toàn phần vỏ máy để đặt vừa bàn phím mới tốn kém hơn rất nhiều so với chỉ chỉnh sửa một vài chi tiết nhỏ trên mẫu thiết kế hiện tại.
Thậm chí, Apple còn tổ chức chương trình sửa chữa bàn phím miễn phí cho những người dùng gặp lỗi. Rõ ràng, kinh phí để thực hiện chương trình này rất đắt đỏ, nhưng vẫn rẻ hơn chán so với việc thiết kế mới lại cả chiếc laptop chỉ để sửa lỗi bàn phím.
Apple rất "lười" thiết kế lại vì giá thành cho việc này rất đắt đỏ
Nói cách khác, Apple cần phải "hốt bạc" từ tất cả các thiết bị mới mà họ tạo ra. Đó cũng là lý do vì sao iPhone - dù được mệnh danh là "cỗ máy kiếm tiền" của Táo Khuyết, vẫn phải duy trì một mẫu thiết kế trong hai năm liền (chính là năm "S" của iPhone như 5S, 6S hay XS), trước khi Apple có những thay đổi đáng kể về hình dáng của chiếc điện thoại – bởi mỗi lần thiết kế lại một mẫu điện thoại mới không hề rẻ.
Tiếp theo là đến chiếc máy nghe nhạc nhỏ nhắn iPod Touch.
iPod là một trong những thiết bị mang tính biểu tượng nhất của Apple. Vì thế, nếu "những thầy phù thủy xứ Cupertino" bỗng nhiên thông báo sẽ ngừng sản xuất iPod chỉ vì doanh số không cao, thì chắc chắn họ sẽ bị cộng động iFan "ném đá" kịch liệt.
iPod không đơn giản chỉ là một món đồ công nghệ, mà nó còn là hiện thân cho triết lý độc đáo của Apple - đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và nghệ thuật. iPod (cùng với iTunes) chính là thứ đã đưa Apple trở thành một hiện tượng văn hoá, và họ sẽ không thể được như ngày hôm nay nếu thiếu đi hai sản phẩm trên.
iPod đã đặt nền móng cho sự phát triển của iPhone: Đưa cả thế giới âm nhạc gói gọn chỉ trong túi quần của chủ nhân, kèm theo đôi tai nghe màu trắng đặc trưng chính là cái cách mà iPod đã giúp chúng ta chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để bước vào kỷ nguyên của smartphone. Dựa trên những giá trị lịch sử mà iPod mang lại, việc ngừng bán thiết bị này - kể cả khi nó không đem lại nhiều lợi nhuận cho Táo khuyết nữa, sẽ là một điều đáng buồn.
Có lẽ, việc Apple giới thiệu mẫu iPod Touch mới giống như một hành động nhằm lưu giữ những giá trị truyền thống xưa cũ của nó vậy.
iPod giờ đây chỉ là cái bóng của chính mình
Trước khi có iPhone, iPod là "con gà đẻ trứng vàng" của Apple. Và quả thật là họ đã từng đầu tư rất nhiều công sức để phát triển dòng máy nghe nhạc này.
Trong "thời kỳ hoàng kim" của iPod, từ là từ năm 2001 đến 2007, cứ mỗi năm Apple lại thay đổi thiết kế của nó một lần. Sáu năm là sáu chiếc iPod khác nhau, mỗi chiếc một vẻ.
Trong khoảng thời gian ấy, Táo khuyết còn cho ra đời 2 mẫu iPod mini, 4 thế hệ iPod Shuffle cùng 7 chiếc iPod nano. Chiếc iPod Touch đầu tiên được Apple tung ra vào năm 2007 - cùng thời điểm với iPhone 2G.
iPhone đã lấy đi rất nhiều sự quan tâm của mọi người đối với iPod. Suy cho cùng, chính Steve Jobs đã từng nói rằng iPhone là một chiếc iPod có khả năng nghe gọi và truy cập Internet, vậy còn ai muốn một chiếc máy nghe nhạc đơn thuần nữa? Kể từ khi iPhone góp mặt trên thị trường cho tới này, Apple hầu như có rất ít động thái để khơi gợi lại sự hứng khởi của người dùng một thời đối với dòng máy iPod, ngoại trừ việc thi thoảng làm mới lại cấu hình bên trong của sản phẩm.
Giờ đây, iPod có thể không còn là sản phẩm chủ chốt của Apple như hồi đầu thập niên 2000, nhưng cũng thật đáng buồn khi đã ở thời điểm hiện tại, họ còn chẳng thèm "đoái hoài" gì đến "đứa con" 20 năm tuổi chứ đừng nói đến việc tìm cách khiến mọi người cảm thấy hứng thú, phấn khích đến nó nữa. Chức năng của iPod có thể không thay đổi nhiều, nhưng ít ra Apple cũng nên bỏ chút công sức để thay đổi thiết kế vốn đã vô cùng già nua của thiết bị giải trí này chứ.
Đơn giản nhất, họ có thể sao chép y nguyên ngoại hình của những chiếc iPhone mới lên iPod Touch, loại bỏ nút Home để có được màn hình tràn viền nhưng Apple đã không làm vậy. Có lẽ chi phí cho việc ấy là quá nhiều cho một sản phẩm cũng không mấy ai để ý tới.
iPod mới cũng phần nào cho thấy được Apple ngày nay ra sao: Họ sẽ chịu đổi mới, sáng tạo hơn nhưng chỉ làm vậy nếu điều này mang lại lợi nhuận. Còn không, Apple sẽ không chịu mạo hiểm đâu!
Nhận xét
Đăng nhận xét