Đó là vào tháng 4 năm 1999, khi Microsoft giới thiệu một bản nâng cấp cho dòng chuột IntelliMouse.
Hai mươi năm trước, vào tháng 4/1999, Microsoft đã giới thiệu một bản nâng cấp cho dòng sản phẩm chuột IntelliMouse. Nhìn bề ngoài, bản nâng cấp này không khác biệt nhiều so với người tiền nhiệm - nó vẫn có một lượng nút như cũ cùng một con lăn - nhưng ẩn sâu bên trong, công nghệ của con chuột này đã đặt dấu chấm hết cho những tháng ngày lau chùi đủ loại bụi bẩn bám trên những con chuột mà người dùng nào cũng ngán ngẩm.
Thời đó, chuột máy tính vẫn hoạt động dựa vào một viên bi lăn kim loại phủ cao su để "biên dịch" chuyển động tay thành con trỏ trên màn hình.
Một điểm trừ lớn trên loại chuột bi lăn này là nó rất dễ bị bám bụi bẩn - cụ thể là bụi bẩn có thể lọt vào bên trong ổ bi lăn - từ đó che mất cảm biến và khiến con chuột cùng con trỏ trên màn hình di chuyển thất thường. Điều này khiến nhiều người phát cáu, đặc biệt là những chuyên gia đồ họa phải thường xuyên làm việc với Photoshop, bởi chỉ cần một chuyển động rất nhỏ của con chuột không theo đúng ý muốn cũng khiến công việc của họ bị gián đoạn.
Mọi thứ thay đổi vào ngày 14/4/1999, khi tại triển lãm COMDEX ở Las Vegas - một triển lãm tương tự CES ngày nay - Microsoft công bố IntelliMouse Explorer: một con chuột không sử dụng bi lăn mà thay vào đó là các bóng LED và một camera kỹ thuật số có thể theo dõi chuyển động của chuột thông qua công nghệ quang học với độ chính xác cực cao.
IntelliMouse Explorer lúc đó được bán với giá 75 USD, mức giá cực đắt đối với một con chuột máy tính. Microsoft không phải là công ty đầu tiên tích hợp tính năng theo dõi quang học vào chuột. Phương thức này đã được đưa ra từ năm 1980 khi có hai nhà phát minh đề xuất hai cách theo dõi chuyển động chuột khác nhau thông qua chiếu ảnh. Công nghệ đó lần đầu được thương mại hóa cùng chiếc máy tính văn phòng Xerox STAR vào năm 1981, nhưng với mức giá 16.500 USD - tương đương với hơn 45.000 USD ngày nay - nó là một cỗ máy chỉ dành cho doanh nghiệp mà thôi. Nhiều thập kỷ sau, các công ty như Sun Microsystems đã trang bị những con chuột laser cho các máy chủ và máy trạm đắt đỏ của họ, nhưng lại yêu cầu phải có những tấm lót chuột phản chiếu đặc biệt mới có thể dùng được. Người dùng thông thường hiển nhiên không muốn những thứ rắc rối như vậy.
Dựa trên công nghệ được phát triển bởi Hewlett-Packard, chuột IntelliMouse Explorer của Microsoft có mức giá phải chăng phù hợp với túi tiền của giới sinh viên. Tuyệt vời hơn nữa, bề mặt dưới của chuột được niêm kín hoàn toàn, ngăn không cho những hạt bụi dù là nhỏ nhất lọt vào bên trong, và nó còn cải tiến hơn các thế hệ trước ở chỗ có thể hoạt động trên hầu như bất kỳ bề mặt nào không có độ phản chiếu quá cao.
Bên cạnh cảm biến quang học đột phá, chuột IntelliMouse Explorer còn được trang bị thêm các nút bấm phụ có thể lập trình được, rất hữu dụng khi lướt web: bạn có thể tới hoặc lùi nhanh chóng giữa các website (thời điểm đó, tab vẫn chưa được phát minh ra). Các đối thủ của Microsoft chẳng mất nhiều thời gian để tung ra những con chuột quang học của riêng họ. Chuột của Apple ra mắt một năm sau, vào năm 2000. Và năm 2004, Logitech giới thiệu chuột laser. Các nút bấm bổ sung cũng nhanh chóng trở thành một chuẩn mực công nghiệp, và các công ty bắt đầu đối chọi với nhau để xem ai có thể giới thiệu công nghệ quang học với độ chính xác cao nhất để thu hút các game thủ PC khó tính.
Có rất nhiều công nghệ được phát minh ra để cải thiện cuộc sống của chúng ta - nhiều trong số chúng vô tình khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Nhưng đến tận 20 năm sau, chuột IntelliMouse Explorer vẫn mãi là một bản nâng cấp đã thay đổi mọi thứ mà không hề có nhược điểm nào đi kèm.
Tham khảo: Gizmodo
Nhận xét
Đăng nhận xét